Chiều ngày 14/6, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và Đoàn công tác Bộ KH&ĐT đã có buổi làm việc với lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam về cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) và hoạt động của Hệ thống liên minh HTX Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Báo cáo về tình hình phát triển KTTT, HTX trong 5 tháng đầu năm 2021, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, cả nước thành lập mới 641 HTX, 2 liên hiệp HTX, 1.300 Tổ hợp tác (THT), đạt 42,7% kế hoạch năm 2021. Đến cuối tháng 5/2021, cả nước có 25.667 HTX, tăng 1.156 HTX so với cùng kỳ năm 2020, thu hút 6,8 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động.
|
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và Đoàn công tác Bộ KH&ĐT làm việc với lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam. |
Tuy nhiên, hoạt động của khu vực KTTT, HTX nổi lên một số vấn đề: Nhiều HTX được thành lập theo tiêu chí số 13 của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động; tỷ lệ HTX ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương còn ít (chiếm hơn 5%/tổng số HTX). Tỷ lệ khá lớn (hơn 70%) HTX quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng lực tài chính và quản trị yếu, thiếu nguồn lực thực hiện, ít có khả năng tự huy động nguồn lực từ thị trường. Phần lớn HTX nông nghiệp, du lịch, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, vận tải... bị thiệt hại bởi dịch COVID-19 dẫn đến doanh thu dịch vụ nội bộ và tiêu thụ sản phẩm giảm trên 40%.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, mục tiêu phát triển KTTT, HTX năm 2021 là thành lập mới 1.500 HTX, 15 liên hiệp HTX và 2.500 THT; xây dựng 200 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương; thu hút hộ cá thể, cá nhân, tổ chức khác là thành viên của HTX, THT tăng 10% so với năm 2020. Trong đó, 35% hộ cá thể ở địa bàn nông thôn là thành viên HTX, THT; đào tạo, bồi dưỡng tăng thêm so với năm 2020 ít nhất 10% số cán bộ quản lý HTX... Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, do vậy việc hoàn thành các chỉ tiêu này gặp nhiều khó khăn.
Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, gần 25 triệu hộ cá thể trên toàn quốc, trong đó thành thị 8 triệu hộ, nông thôn gần 17 triệu hộ. Theo Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá, điều này cho thấy nhu cầu rất lớn trong liên kết và hợp tác theo mô hình THT, HTX để sản xuất và giải quyết nhu cầu của đời sống.
"KTTT, HTX dần trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội bền vững, xu hướng phát triển các HTX quy mô lớn, liên hiệp HTX; liên kết chuỗi giá trị sẽ diễn ra mạnh mẽ. Từ thực tiễn ở nước ta và kinh nghiệm phát triển HTX ở các nước phát triển và đang phát triển trên thế giới cho thấy, sự hỗ trợ của Nhà nước để tăng cường nguồn lực cho HTX phát triển theo quy hoạch là rất cần thiết", ông Bảo đánh giá.
Mặc dù nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển KTTT, HTX được ban hành và thực thi, thúc đẩy khu vực KTTT, HTX phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, Liên minh HTX Việt Nam cho biết, một số chính sách, pháp luật của Nhà nước còn bỏ sót hoặc không nêu cụ thể phạm vi, đối tượng điều chỉnh là HTX, cho nên các HTX không thể tiếp cận được các nguồn lực và các Bộ, ngành, UBND tỉnh không có căn cứ để triển khai, bố trí kinh phí Ngân sách Nhà nước hỗ trợ.
Cụ thể, một số chính sách hỗ trợ HTX được quy định tại Điều 6 Luật HTX năm 2012 và Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật HTX; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật HTX năm 2012; Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ số 276/TB-VPCP ngày 3/8/2018 tại cuộc họp với Liên minh HTX về tình hình KTTT, HTX... chưa được thực hiện trên địa bàn cả nước hoặc có ít địa phương thực hiện. Chẳng hạn như chính sách thuế ưu đãi cho HTX, xử lý tài sản không chia của HTX khi giải thể, chuyển đổi sang hình thức tổ chức khác; hướng dẫn xử lý các khoản nợ các tổ chức tín dụng của HTX khi giải thể, phá sản...
Về chính sách thuế, phí đối với HTX có một số bất cập như: thuế giá trị gia tăng làm chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh và không khuyến khích HTX hợp tác để thành lập các liên hiệp HTX có quy mô lớn; Luật thuế thu nhập DN chưa quy định tiêu chí, công thức tính thuế áp dụng cho HTX, chưa quy định ưu đãi thuế thu nhập DN đối với các HTX phi nông nghiệp, thuế thu nhập cá nhân (thuế suất 5%) đối với thành viên HTX không hợp lý, không khuyến khích người dân góp vốn thành lập HTX...
Một số chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các HTX trong dịch COVID-19 (Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ ngày 19/4/2021 về gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021...
Tuy nhiên, một số nội dung quy định thực thi chính sách không quy định rõ đối tượng thụ hưởng là HTX hoặc người lao động trong HTX. Một số văn bản thủ tục hành chính, hồ sơ phức tạp, qua nhiều cơ quan, ban ngành khiến các HTX thấy mất nhiều thời gian mà mức hỗ trợ không đáng kể, thậm chí có thể không đủ bù phần chi phí làm hồ sơ thụ hưởng. Một số quy định vay 0% trả lương cho người lao động nghỉ việc, thực tế HTX không chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động mà chỉ cho tạm nghỉ việc hoặc giảm thời gian đi làm, sử dụng nguồn quỹ dự phòng để duy trì trả lương và hỗ trợ tài chính cho người lao động.
Từ những vướng mắc trên, Liên minh HTX Việt Nam đề xuất Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT và các Bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, tạo điều kiện cho HTX tiếp cận được nguồn lực để phát triển, đồng thời cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường hoạt động quản lý HTX.
Liên minh HTX đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT và các Bộ, ngành Trung ương khi soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, thì quy định HTX, liên hiệp HTX, cá nhân thành viên của tổ chức này thuộc phạm vi, đối tượng điều chỉnh.
"Đề nghị Bộ KH&ĐT tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định riêng về phát triển KTTT, HTX cho các ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho phù hợp", Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị.
Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, bố trí vốn xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với logistics hỗ trợ KTTT, HTX. Đồng thời xem xét, bố trí nguồn lực, cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Liên minh HTX Việt Nam thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, Liên minh HTX Việt Nam đề xuất nội dung và kinh phí thực hiện Quyết định số 1804/QĐ-TTg, ngày 13/11/2020; Quyết định 167/QĐ-TTg ngày 3/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025 giao hệ thống Liên minh HTX Việt Nam thực hiện...
Liên minh HTX Việt Nam cũng đề nghị Bộ KH&ĐT bố trí tập trung nguồn lực để hỗ trợ việc nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất, kinh doanh của người dân theo mô hình HTX, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX ở các xã nông thôn mới; Phát triển, thành lập mới HTX vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng thời, Liên minh HTX Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ, Bộ KH&ĐT bổ sung vốn điều lệ và tạo điều kiện hoạt động cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Trung ương, kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi đối với các Trung tâm tư vấn, hỗ trợ, cung cấp dịch vụ, hình thành và phát triển HTX...
Cần có hỗ trợ cụ thể về chuyển đổi số với KTTT, HTX
|
Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình. |
Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, đánh giá: hiện nay, các văn bản của Chính phủ đều rất quan tâm tới khu vực KTTT, HTX. Khu vực KTTT, HTX rất phấn khởi. Song vấn đề vướng mắc nhất là khâu thực thi.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình chung hiện nay, khu vực KTTT, HTX vẫn gặp nhiều khó khăn, có nhiều chỗ lúng túng, chưa xác định được đường đi, nước bước. Dịch COVID-19 khiến nhiều sản phẩm đầu ra của khu vực KTTT, HTX gặp khó, được mùa rớt giá.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang có hơn 400 HTX, vấn đề là làm sao có thể thực hiện chính sách hỗ trợ hiệu quả.
Đặc biệt, về nỗi lo đầu ra của sản phẩm HTX, bà Tâm chia sẻ sản phẩm tươi chỉ có thời hạn nhất định, nên nếu không tiêu thụ được thì buộc phải giải cứu. Do vậy, thời gian tới các ngành, các cấp cần tập trung hỗ trợ đẩy mạnh khâu chế biến, trong đó cần quan tâm hỗ trợ cho Liên hiệp HTX, HTX mạnh có đủ điều kiện xây dựng cơ sở chế biến, tạo điều kiện chế biến sâu và tiêu thụ.
Đồng thời, HTX cần phải đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, phần mềm để quản lý từ khâu sản xuất tới tiêu thụ. Các sản phẩm được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử, từ đó, việc lưu thông hàng hóa thuận lợi. Do vậy, cần có hỗ trợ cụ thể về chuyển đổi số với KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025.
|