Đó là HTX Bình Thành ở tỉnh Đồng Tháp. Đây có lẽ là HTX nông nghiệp toàn xã lâu đời và có quy mô lớn nhất, nhiều dịch vụ nhất miền Tây Nam bộ.
Nơi làm ruộng "khỏe thấy mồ à"
Vùng đất Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp nằm trải dọc theo con rạch Cái Tàu Thượng nối thông giữa sông Tiền và sông Hậu, vốn đã là vựa lúa nổi tiếng từ thời Pháp thuộc, hiện còn khoảng 13.000ha. Thực tiễn cho thấy, kinh tế tập thể đã và đang biến nông dân vốn quen chân lấm tay bùn ở vựa lúa vùng Tháp Mười trở thành những người nhàn nhã.
Kinh tế tập thể đã và đang biến nông dân vốn quen chân lấm tay bùn ở vựa lúa vùng Tháp Mười trở thành những người nhàn nhã. Ảnh: Hoàng Vũ.
Tôi đi cùng ông Nguyễn Văn Đời (65 tuổi), Giám đốc HTX Bình Thành và lão nông Võ Văn Phèn (69 tuổi) trên những cánh đồng rộng thẳng cánh cò bay của xã Bình Thành, giữa cái nắng hanh hao mang làn gió lộng lên phía Nam bờ sông Hậu. Giống như nhiều vựa lúa khác ở miền Tây, làm ruộng bây giờ ở Lấp Vò chỉ rặt người già. Đừng vội nghĩ thế là cơ cực, vất vả.
Công cuộc cơ giới hóa trong suốt nhiều năm đã đem máy móc xuống đồng và giải phóng cơ bản sức lao động người nông dân. Bằng chứng là đang vào giai đoạn cao điểm thu hoạch lúa vụ hè thu mà số lao động của cả một cánh đồng rộng hàng trăm công ruộng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không cứ gặt, từ làm đất, bơm tưới, gieo sạ, phun thuốc, bón phân bây giờ cũng đều máy móc làm cả. Làm ruộng gì mà khỏe thấy mồ à. Làm ruộng mà chủ yếu chỉ đi thăm đồng xem lúa má làm sao, cuối vụ lượn một vòng ngó nghiêng cân đo sản lượng được bao nhiêu rồi cưỡi xe về chờ đến hợp tác xã nhận tiền.
Như gia đình ông Phèn chẳng hạn, có 1,2ha ruộng ở cánh đồng ấp Bình Phú Quới, cộng với diện tích hai ông con trai thuê lại của người khác, mỗi năm canh tác ba vụ, nếu không gặp phải biến cố gì quá bất thường cũng lời lãi hàng trăm triệu đồng. Năm nay phân bón giá có cao nhưng nhờ lúa năng suất tốt, lại biết cách canh tác tiết giảm chi phí nên thu hoạch cũng không đến nỗi nào.
“Một công ruộng (1.000m2) bình thường mỗi vụ đầu tư hết khoảng 1,7 - 1,8 triệu đồng, năm nay giá phân bón cao, hết chừng 2,5 triệu, thu được hơn 800kg lúa, lãi hơn 1,2 triệu đồng. Tính ra một năm làm ruộng có mấy ngày, ai làm đất, ai bơm tưới, ai chăm sóc bảo vệ, lúa gặt rồi bán cho ai không cần biết, tất cả đã có dịch vụ của hợp tác xã. Vợ chồng, con cái có thời gian làm thêm nhiều nghề khác. May mặc, làm nệm, chăm sóc cây cảnh, đi làm công nhân... Đời sống khấm khá lên, nhà cửa khang trang, vật dụng sinh hoạt không thiếu thứ gì”, ông Phèn tính toán.